Chuyển tới nội dung

Lệ phí cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam

    ? Hỏi:

    1. Hiện nay, nội dung Thông tư 85/2019/TT-BTC có một số vấn đề chưa rõ và không phù hợp đề nghị Bộ giải đáp giúp để triển khai thực hiện, ví dụ: – Điểm d Khoản 2 Điều 5 TT85 quy định: Lệ phí cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam là khoản thu khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam (bao gồm cả cấp lại). Quy định nêu trên dẫn đến cách hiểu chỉ thu phí trong trường hợp cấp và cấp lại, trong khi đó hiện nay theo quy định tại Nghị định số 152/2020/NĐ-CP thì thủ tục cấp Giấy phép lao động gồm 3 thủ tục: cấp, cấp lại và gia hạn. Đề nghị Bộ hướng dẫn trong trường hợp này có được quy định lệ phí trong trường hợp gia hạn hay không? – Luật Phí và lệ phí giao HĐND cấp tỉnh thẩm quyền quy định lệ phí hộ tịch. Thông tư số 85/2019/TT-BTC hướng dẫn về lệ phí hộ tịch tại điểm c khoản 2 Điều 5, trong đó quy định đối với việc đăng ký khai sinh, khai tử tại UBND quận, huyện như sau: “Khai sinh (bao gồm: đăng ký khai sinh đúng hạn, không đúng hạn, đăng ký lại khai sinh, đăng ký khai sinh cho người đã có hồ sơ, giấy tờ cá nhân); khai tử (bao gồm: đăng ký khai tử đúng hạn, không đúng hạn, đăng ký lại khai tử)”. Tuy nhiên, Luật Hộ tịch không quy định thời hạn phải đăng ký đối với việc đăng ký khai sinh, khai tử tại UBND cấp huyện (chỉ quy định thời hạn phải thực hiện đăng ký khai sinh, khai tử tại UBND cấp xã), do đó không có cơ sở để xác định trường hợp nào là đúng hạn, không đúng hạn. – Hiện nay khi xây dựng phí, lệ phí có nhiều cách hiểu khác nhau, cụ thể: Đối với mức thu phí, các đơn vị thu khi xây dựng mức thu phí căn cứ vào định mức kinh tế kỹ thuật để xác định mức thu phí. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư số 85/2019/TT-BTC quy định nguyên tắc xác định mức thu: “a) Căn cứ mức thu phí, lệ phí hiện hành (nếu có) để làm cơ sở đề xuất mức thu. b) Phù hợp với điều kiện, tình hình cụ thể của địa phương nơi phát sinh hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí, lệ phí …. d) Tham khảo mức thu phí, lệ phí của các địa phương liền kề hoặc địa phương có điều kiện kinh tế – xã hội tương đồng để bảo đảm sự hài hòa giữa các địa phương”. Do xuất phát từ việc đảm bảo tự chủ tài chính nên hiện nay các đơn vị xây dựng mức thu phí đều dựa trên định mức kinh tế kỹ thuật để đề xuất mức thu, tuy nhiền điều này làm cho mức thu phí, lệ phí có sự thay đổi lớn so với trước đây điều này ảnh hưởng đến đối tượng thu. Đề nghị Bộ hướng dẫn căn cứ, nguyên tắc và cơ sở để xác định đề xuất mức thu vừa đảm bảo lộ trình tự chủ vừa đảm bảo không ảnh hướng quá lớn đến đối tượng thu phí lệ phí. – Qua tham khảo các tỉnh thành việc xây dựng mức thu phí, lệ phí thường đa phần xây dựng từng mức theo các thủ tục hành chính phải thực hiện. Tuy nhiên có quan điểm khác nhau về vấn đề này: quan điểm 1: chỉ xây dựng 1 mức thu duy nhất đối với loại phí và lệ phí đó; quan điểm 2: mức thu phí lệ phí sẽ phải xây dựng dựa trên từng thủ tục hành chính giải quyết do mức độ phức tạp của từng thủ tục hành chính sẽ khác nhau nên mức thu sẽ có sự khác nhau. 2. Tại Điểm a, K3 Điều 9 Nghị quyết 119/2020/QH14 quy định hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng được quyết định áp dụng trên địa bàn thành phố: Phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí. Đề nghị Bộ giải đáp giúp quy định nêu trên có phải được hiểu là nếu như có loại phí và lệ phí ngoài danh mục phí và lệ phí được quy định trong Luật thì sẽ áp dụng thẩm quyền nêu trên?

    29/06/2021

    Trả lời:

    1. Về lệ phí cấp giấy phép lao động

    – Tại khoản 2 Điều 4 Luật Phí và lệ phí quy định: Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền quy định các khoản phí, lệ phí trong Danh mục phí, lệ phí, được quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng các khoản phí, lệ phí.

    – Tại các Mục 3, 4, 5 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính phủ quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam quy định thủ tục cấp giấy phép lao động trong các trường hợp cấp mới, cấp lại, gia hạn.

    – Tại khoản 4 Điều 3 Thông tư số 85/2019/TT-BTC ngày 29/11/2019 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định: Lệ phí cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam (đối với cấp phép do cơ quan địa phương thực hiện) thuộc danh mục các khoản lệ phí thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh.

    – Tại điểm d khoản 2 Điều 5 Thông tư số 85/2019/TT-BTC quy định về căn cứ xác định mức thu lệ phí:  Lệ phí cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam là khoản thu khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam (bao gồm cả cấp lại).

    Căn cứ các quy định nêu trên, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền quy định mức thu lệ phí cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam khi cung cấp thủ tục hành chính theo các trường hợp cấp giấy phép nêu tại Nghị định 152/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

    1. Về lệ phí hộ tịch

    – Tại khoản 2 Điều 4 Luật Phí và lệ phí quy định: Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền quy định các khoản phí, lệ phí trong Danh mục phí, lệ phí, được quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng các khoản phí, lệ phí.

    – Tại điểm c khoản 2 Điều 5 Thông tư số 85/2019/TT-BTC quy định: Lệ phí hộ tịch đối với việc đăng ký hộ tịch tại Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: Khai sinh (bao gồm: đăng ký khai sinh đúng hạn, không đúng hạn, đăng ký lại khai sinh, đăng ký khai sinh cho người đã có hồ sơ, giấy tờ cá nhân); khai tử (bao gồm: đăng ký khai tử đúng hạn, không đúng hạn, đăng ký lại khai tử)”.

    – Tại Nghị quyết số 341/2020/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 của HĐND thành phố Đà Nẵng quy định mức thu, đối tượng và chế độ thu, nộp lệ phí hộ tịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có quy định mức thu lệ phí hộ tịch tại UBND cấp quận, huyện.

    – Tại Chương III Luật Hộ tịch không quy định thời hạn phải đăng ký đối với việc đăng ký khai sinh, khai tử tại UBND cấp huyện.

    – Tại khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành VBQPPL quy định về áp dụng văn bản quy phạm pháp luật: Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.

    Căn cứ quy định nêu trên và căn cứ quy định tại Luật Hộ tịch về khai sinh, khai tử, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền quy định thu lệ phí hộ tịch đối với việc khai sinh, khai tử tại UBND cấp huyện phù hợp với quy định của Luật Hộ tịch.

    1. Về nguyên tắc xác định mức thu phí, lệ phí

    – Tại Điều 8 Luật Phí và lệ phí quy định: Mức thu phí được xác định cơ bản đảm bảo bù đắp chi phí, có tính đến chính sách phát triển kinh tế – xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của công dân.

    – Tại Điều 9 Luật Phí và lệ phí quy định: Mức thu lệ phí được ấn định trước, không nhằm mục đích bù đắp chi phí; mức thu lệ phí trước bạ được tính bằng tỷ lệ phần trăm trên giá trị tài sản; bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của công dân.

    – Tại khoản 2 Điều 4 Thông tư số 85/2019/TT-BTC quy định: Xây dựng mức thu các khoản phí, lệ phí cần đảm bảo:

    1. a) Căn cứ mức thu phí, lệ phí hiện hành (nếu có) để làm cơ sở đề xuất mức thu.
    2. b) Phù hợp với điều kiện, tình hình cụ thể của địa phương nơi phát sinh hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí, lệ phí.

    1. d) Tham khảo mức thu phí, lệ phí của các địa phương liền kề hoặc địa phương có điều kiện kinh tế – xã hội tương đồng để bảo đảm sự hài hòa giữa các địa phương”.

    Như vậy, việc xác định mức thu phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của địa phương căn cứ vào nội dung quy định nêu trên, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế với hoạt động cung cấp dịch vụ thu phí, lệ phí.

    1. Về phí, lệ phí ngoài Danh mục

    Tại điểm a khoản 3 Điều 9 Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng quy định: Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng được quyết định áp dụng trên địa bàn thành phố: Phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí.

    Căn cứ quy định nêu trên, trong thời gian thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng (thực hiện từ ngày 01/7/2021 cho đến khi Quốc hội quyết định chấm dứt việc thực hiện thí điểm), trường hợp cần thiết, Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng được quyết định áp dụng khoản phí, lệ phí ngoài Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí theo nguyên tắc xác định mức thu quy định tại Điều 8, Điều 9 Luật Phí và lệ phí và khoản 2 Điều 4 Thông tư số 85/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính.

    Nguồn: Bộ Tài chính